Home Kính vạn hoa 10 vạn câu hỏi Vì sao?

10 vạn câu hỏi Vì sao?

421
0
10 vạn câu hỏi vì sao?

Vì sao cây thường rụng lá vào mùa thu?

Nhiều loài cây rụng lá vào mùa thu để thích nghi với điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sự phát triển.

Rụng lá là một chiến lược của nhiều loài cây để tồn tại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, theo Earth Sky. Tại những khu rừng ôn đới trên khắp Bắc bán cầu, cây bị rụng lá vào mùa thu để đối phó với thời tiết lạnh. Ở rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới, cây rụng lá khi bắt đầu mùa khô.

Những cây rụng tất cả lá vào một khoảng thời gian nào đó trong năm tùy thuộc nhiệt độ và lượng mưa được gọi là “cây rụng lá”. Hầu hết cây rụng lá có lá rộng nên dễ bị tổn thương khi thời tiết lạnh hoặc khô. Trái ngược với chúng là “cây thường xanh” với lá kim, chỉ rụng một phần tán lá vào các thời điểm khác nhau, khiến chúng dường như tươi xanh quanh năm.

Cơ chế rụng lá giúp cây giữ nước và năng lượng. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, kích thích tố (hormone) trong cây bắt đầu kích hoạt quá trình rụng lá.

Ở giai đoạn đầu tiên của quá trình rụng lá, cây hút bớt các chất dinh dưỡng có giá trị ra khỏi lá và dự trữ chúng trong rễ để sử dụng sau này. Chất diệp lục, sắc tố tạo ra màu xanh cho lá cây, là một trong những thành phần đầu tiên bị phá vỡ thành chất dinh dưỡng. Đây là lý do khiến lá cây chuyển sang màu đỏ, da cam và vàng trong suốt mùa thu.

Ở giai đoạn cuối, một lớp tế bào bảo vệ sẽ phát triển, phủ lên phía trên khu vực tiếp xúc giữa lá cây với cành cây sau khi lá rụng xuống.

Vì sao buổi trưa nóng nực không nên tưới cây?

Mùa hè trời rất nóng, nhất là vào buổi trưa. Nhiệt độ trong đất cũng cao dần cho đến giữa ngày. Lúc này, nếu tưới nước thì đất đang nóng sẽ hạ nhiệt đột ngột, trong khi nhiệt độ không khí bên ngoài tương đối cao. Sự thay đổi giật cục này khiến hoa vốn non yếu sẽ chịu không nổi và chết.

Nước có tỷ nhiệt cao, gấp 4 lần so với tỷ nhiệt không khí. Nghĩa là khi hút và tỏa nhiệt, nhiệt độ của nước ít chênh lệch, do đó nó luôn thấp hơn nhiệt độ không khí (chỉ xét các nước nhiệt đới). Nếu tưới nước lúc đất đang nóng sẽ làm đất lạnh đi rất nhanh.

Vào buổi sáng sớm và chiều tối, vì nhiệt độ không khí tương đối thấp, nên sau khi tưới, nhiệt độ giữa đất và không khí chênh lệch ít, không gây nguy hiểm làm chết cây. Nếu trời râm mát thì tưới nước lúc nào cũng được.

Ngoài hoa, nói chung rau và một số loài cây thân thảo khác đều không nên tưới nước lạnh vào trưa hè. Có khi trong ngày hè nóng nực, buổi trưa bỗng đổ mưa rào, rau non bị chết ngạt hết cũng là vì lý do trên.

Vì sao vẹt, yểng học được tiếng người?

“Mấy giờ rồi?”, “chào bác!’”, “ăn cơm chưa?”, “tạm biệt”… Có tiếng ai the thé thốt lên từ góc vườn, nhìn ra, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy đó không phải là tiếng của chủ nhà, mà là tiếng một chú vẹt tinh nghịch. Làm sao nó nói được nhỉ?

Thực ra, đại não của vẹt không phát triển như đại não của người, không có sẵn điều kiện để biết nói. Những câu phát âm đơn giải của chúng chỉ là một kiểu bắt chước vô thức, mà phải do người dạy mới hình thành. Trong trạng thái hoang dã, hiếm thấy con vẹt nào nói được.

Ngôn ngữ là sản phẩm chỉ có trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Ngoài sự cần thiết phải nhờ thanh đới (thông qua cử động nhịp nhàng của họng, lưỡi, răng, môi) để phát âm, còn cần sự kết hợp từ vựng và quy luật ngôn ngữ mới có thể biểu đạt tốt những điều nghĩ ra trong óc. Các loài vẹt, yểng có thể “nói” được những câu đơn giản, chẳng qua là chúng có cái lưỡi vừa nhọn vừa nhỏ, mềm và đầy thịt, nên chỉ biết lặp lại một chuỗi âm tiết mà người ta dạy cho nó thôi. Chưa bao giờ người ta thấy chúng nói được những câu phức tạp cả.

Nhìn chung, loài chim sinh ra là có thể phát âm. Khi người ta thường xuyên lấy vài âm tiết nào đó để gây ảnh hưởng với chúng, lâu ngày chúng sẽ bắt chước được. Tình huống này gọi là phản xạ nói vô điều kiện. Sau này, mỗi khi gặp người, do bị kích thích mà sinh ra phản ứng, chúng nhắc lại mấy âm tiết đơn giản đã học được, đây là phản xạ có điều kiện.

Trong giới động vật, chỉ có loài chim (nhất là những loài biết hót) là có thể bắt chước âm thanh của đồng loại và tiếng kêu của các động vật khác. Còn học nói tiếng người chỉ giới hạn ở vài loài biết hót, như vẹt, yểng, khướu.

Vì sao ban ngày không nhìn thấy sao?

Trong vũ trụ, tuyệt đại đa số các sao tự phát sáng và phát nhiệt, quanh năm lấp lánh. Nhưng chỉ vào xẩm tối chúng ta mới trông rõ chúng, đó là vì ban ngày tầng khí quyển của trái đất đã tán xạ một phần ánh sáng mặt trời…

Lượng ánh sáng đó chiếu sáng bừng không trung, át cả ánh sáng của các vì sao, khiến chúng ta không thể nhìn thấy chúng. Nhưng nếu trái đất không có bầu khí quyển, không trung sẽ tối đen, và cho dù ánh mặt trời rất sáng thì chúng ta vẫn nhìn thấy sao vào ban ngày (hiện tượng này cũng xảy ra khi chúng ta đứng trên bề mặt mặt trăng. Do không có bầu khí quyển tán xạ ánh sáng, nên tại đây, lúc nào chúng ta cũng có cơ hội chiêm ngưỡng các vì sao).

Tuy nhiên, ngay cả ở trên trái đất, bạn vẫn có thể trông thấy các vì sao vào ban ngày, nhờ một chiếc kính viễn vọng. Đó là do hai nguyên nhân: Một là, thành ống kính viễn vọng đã che khuất khá nhiều ánh sáng mặt trời bị tán xạ trong khí quyển, tạo ra một “đêm tối nhỏ” trong lòng kính. Hai là, kính viễn vọng có tác dụng khuyếch đại độ sáng của các vì sao, và chúng hiện ra rất rõ.

Tất nhiên, dùng kính viễn vọng quan sát các sao vào ban ngày có hiệu quả kém hơn so với ban đêm, vì khi đó, ta khó có thể nhìn thấy những sao mờ nhạt.

Sưu tầm

Previous articleTruyện ngụ ngôn La Fontaine: Hươu và bụi nho, bác thợ cày và các con, cáo bị cắt đuôi
Tiếp theoTop 5 đồ chơi giáo dục cho trẻ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here